Khi làm việc với các nhà vườn, tiến tới ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường Nhật, CEO HSC Investment Lê Khắc Hoàng nhận ra rằng đó cũng là cơ hội hỗ trợ người nông dân thay đổi quan điểm làm nông nghiệp, với những quy trình sản xuất tốt hơn, sản phẩm chất lượng hơn. Từ đó, có cơ sở tạo dựng thương hiệu cho nông sản Việt.
Nổi tiếng với chuỗi cửa hàng đồng giá Konni39 trải dài từ Bắc vào Nam, ít người biết Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư HSC (HSC Investment) còn có sản phẩm thực phẩm chức năng được một trong những thương hiệu bệnh viện lớn nhất Việt Nam tín nhiệm và là nhà xuất khẩu nông sản có uy tín trên thị trường Nhật Bản. HSC Investment đặt ra những tham vọng lớn nhưng những bước đi tới đích thì rất bền vững và chắc chắn. Nói về những dự định tương lai của HSC Investment, Tổng giám đốc CEO Lê Khắc Hoàng – Trưởng bộ môn trường Đại học Nông lâm TP.HCM khẳng định: “Chỉ khi tự nâng tầm bản thân, chúng ta mới có thể chạm tới những thị trường khó tính nhất thế giới”.
Chúng tôi có buổi trò chuyện với ông Lê Khắc Hoàng, để hiểu rõ hơn những gì mà HSC Investment đã, đang và sẽ làm, đặc biệt với lĩnh vực nông nghiệp bền vững.
Chinh phục Nhật Bản
– Thị trường nông sản Nhật Bản được đánh giá là rất khó tính. Vì sao HSC Investment lại quyết tâm đưa sản phẩm của Việt Nam vào thị trường này?
Hoa quả, nông sản Việt Nam từ xưa vốn được sản xuất để phục vụ trong nước và một số thị trường dễ tính, có điều kiện tương đương thị trường của chúng ta. Những thị trường này không đòi hỏi nhiều về chất lượng hay quy chuẩn. Tuy nhiên, vì họ dễ tính nên sự liên kết thị trường lại không bền vững và ta khá phụ thuộc họ theo từng thời điểm, dễ dẫn đến câu chuyện bị “bỏ bom” cả trăm, nghìn tấn hoa quả, nông sản nếu một ngày họ từ chối đơn hàng vì các lý do.
Để đến với thị trường cao cấp hơn, mà Nhật Bản là một ví dụ, chúng ta phải tuân thủ các tiêu chuẩn, điều chỉnh lại toàn bộ từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến để đảm bảo hàng hóa cho thị trường đó. Điều này khiến ngành nông nghiệp của chúng ta bị cái cảm giác “khó, không làm được” lấn át. Trong khi các nước có truyền thống xuất khẩu sang các thị trường cao cấp lại quen rồi, và họ làm rất tốt.
Chúng tôi chọn Nhật Bản vì nhiều lý do. Trước hết là vì toàn bộ Ban quản trị tập đoàn đều có điều kiện học tập, sinh sống và trưởng thành từ đất nước này. Thêm vào đó, cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản cũng rất nhiều, tự cộng đồng đã tạo ra một nhu cầu hàng nông sản Việt lớn, giúp thị trường làm quen dần với các sản phẩm đặc sản của chúng ta dễ dàng hơn. Lý do thứ ba là người Nhật khi đã quen với bạn hàng rồi thì họ lại rất chung thủy với bạn hàng của mình. Nếu chúng ta vượt qua được cửa ải ban đầu mà họ đề ra để xâm nhập thị trường của họ, sau đó mọi thứ cứ thế mà duy trì thôi.
– Định hướng lâu dài của HSC Investment ở thị trường Nhật Bản và các bước cụ thể để đạt được mục tiêu đó là gì?
Chúng tôi duy trì mục tiêu đưa nông sản đặc sản Việt Nam sang phục vụ người Việt mình ở Nhật Bản, cũng như giới thiệu tới người dân Nhật những hoa quả chỉ có ở Việt Nam mới ngon, mới “xịn”. Khi đã chinh phục được những người Nhật khó tính, chúng tôi có đà để chinh phục các thị trường khác lớn hơn. Quan trọng là chúng tôi đang từng bước tạo dựng thương hiệu hoa quả Việt, để làm sao khi nhắc đến nó, bất cứ người tiêu dùng thế giới nào cũng biết đó là đặc sản Việt.
Để chinh phục được người Nhật, trước hết phải hiểu được họ. Việt Nam – Nhật Bản có sự đồng điệu trong văn hóa, nên mọi vấn đề phát sinh đều có thể giải quyết thông qua văn hóa.
Một điều quan trọng mà chúng tôi học được ở người Nhật, trong tiếng Nhật gọi là “chanto kakunin” đó là phải cẩn thận từng chi tiết nhỏ một. Chúng tôi có một lợi thế là hiểu được điều đấy và áp dụng rất tốt. Trong từng việc nhỏ, chúng tôi cố gắng cẩn thận, chi tiết, tỉ mỉ.
Đó là lý do vì sao khi bắt đầu hợp tác với người Nhật, tiến trình công việc rất chậm, nhưng khi đã tiến triển và đạt được những thành công đầu tiên rồi mọi việc lại rất thuận lợi và lâu dài.
HSC Investment có mục tiêu khá tham vọng, đó là mang giá trị Nhật tới từng gia đình Việt và ngược lại, mang giá trị Việt tới với từng người dân Nhật.
– Dù khó tính, Nhật Bản vẫn là thị trường có quy mô khiêm tốn?
Không, thị trường Nhật đủ lớn để HSC Investment phát triển. Chúng tôi đã trực tiếp làm việc được với những bạn hàng sẵn sàng mở cả một quầy nông sản Việt ngay trong hệ thống siêu thị của họ. Chỉ cần làm tốt thôi thì còn mở rộng nhiều mã hàng, mặt hàng. Chúng tôi còn hướng tới việc sản xuất các sản phẩm hoa quả sấy bên cạnh hoa quả tươi để đa dạng hơn nữa các mặt hàng của mình. Những sản phẩm như vậy giúp đứng quầy siêu thị lâu hơn, không lo ngại về vấn đề tồn kho hàng hoa quả tươi. Các mặt hàng mới sẽ gồm hoa quả đặc sản Việt Nam và HSC Investment tạo ra thương hiệu “Make in Vietnam”.
– Thị trường Nhật giống như một “bài huấn luyện” để đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới?
Việc gia nhập thị trường Nhật giống như một bài kiểm tra, một khóa huấn luyện khá khó khăn, căng thẳng. Tuy nhiên, khi chúng tôi vào được rồi, rất nhiều doanh nghiệp ở Thái Lan đến gặp và làm việc với chúng tôi, mời chúng tôi cùng làm việc với họ để phối hợp đưa hàng Việt Nam sang Thái.
Thái Lan có ưu thế hơn về một số sản phẩm như xoài, sầu riêng, không hẳn về chất lượng mà chi phí logistic, phí vận chuyển rất rẻ. Một kilogram sầu riêng của ta đi bằng đường hàng không chi phí khoảng 4,2 USD (99.000 đồng), nhưng ở Thái chỉ khoảng 2,3 USD (54.000 đồng) nên sức cạnh tranh của họ rất tốt. Nhưng ngược lại chúng ta cũng có những ưu thế họ muốn khai thác, như thanh long, dừa của Việt Nam có ưu thế vượt trội hơn hẳn. Đó là lý do dừa và ngành kinh tế dừa của Việt Nam mặc dù đầu tư ban đầu rất hạn chế, tuy nhiên đóng góp từ dừa vào chỉ số kinh tế như GDP tỉnh của một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ví dụ như Bến Tre, là rất lớn.
Nâng tầm Nông sản Việt
– Mục tiêu phát triển nông nghiệp lâu dài, tính nhân văn bền vững trong phát triển kinh tế nông nghiệp… HSC Investment đã có bước đi cụ thể nào trong những mục tiêu này?
Sản xuất nông nghiệp nói thẳng là phụ thuộc vào thời tiết và sự phát triển của sâu bệnh. Việc sản xuất, kiểm soát trên diện rộng vô cùng khó khăn và cần nhiều công nghệ hiện đại. Chúng tôi quyết tâm cùng người nông dân đi theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất sạch, nhưng phương cách như thế nào là cả một vấn đề. Ví dụ khi người nông dân chưa có các biện pháp canh tác quản lý bảo vệ thực vật, biện pháp quản lý dịch hại chưa có. Làm sao bảo vệ được mùa màng khi không sử dụng thuốc bảo vệ hóa học?
HSC Investment đã đi cùng người nông dân rất nhanh ở điểm này. Thứ nhất, chúng tôi xây dựng chương trình nghiên cứu sản xuất thuốc trừ sâu bệnh sinh học và hỗ trợ người nông dân trong quá trình canh tác, nuôi trồng. Thứ hai là sản xuất thiên địch để kiểm soát các loài chính. Thứ ba là cộng tác với các công ty có sản phẩm tốt trên thế giới. Năm 2020, HSC Investment ký với Biotech của Mỹ để sản xuất và đăng ký thuốc trừ sâu sinh học kiểm soát một số loại sâu hại ăn lá, đưa vào thị trường Việt Nam.
Về vấn đề sản xuất nông nghiệp hạn chế bớt phân bón vô cơ, hiện chúng tôi đang nhập khẩu phân hữu cơ từ nước ngoài vì chúng ta chưa chủ động được việc sản xuất phân bón hữu cơ chất lượng cao trong nước.
Thời gian qua, chúng tôi cũng cùng nông dân ở các hợp tác xã hợp tác với HSC Investment kiểm soát rất chặt vấn đề dư lượng bảo vệ thực vật trong nông sản để có thể xuất khẩu.
Chúng tôi thích ứng với từng thời điểm. Nếu tự chủ sản xuất được thì ngay lập tức đưa vào ứng dụng trong phát triển nông nghiệp sạch. Để làm những công việc này chúng tôi đang xây dựng một đội ngũ kỹ thuật khá lớn.
– Việc bao tiêu nông sản của HSC Investment ra sao?
Đấy là một bài toán vô cùng khó, không chỉ ở Việt Nam. Ở nước ta, quy mô hợp tác xã còn tương đối nhỏ nên xét trên phương diện nào đó, có thể mềm mại điều chỉnh hơn. Việc nông sản được bán tự do trên thị trường hay gặp chuyện bị rơi giá, bị thương lái bỏ “bom” là rất thường xuyên. Cũng có lúc mất mùa, nông sản bị đẩy giá lên rất cao. Thị trường cơ bản không ổn định. Đưa ra mức thoả thuận giá cả bao tiêu hấp dẫn cho người nông dân không dễ dàng.
Nhưng bài toán khó không bước vào không được. Nhu cầu của doanh nghiệp là cũng cần lượng ổn định để xuất khẩu. Chúng tôi lựa chọn sự gắn kết với người nông dân từ khâu đầu tiên của sản xuất đến khâu cuối cùng, cho nên ngoài câu chuyện giá cả sản phẩm, chúng tôi còn có được sự chia sẻ những khi gặp khó khăn.
Đồng thời, chúng tôi cũng cố gắng gắn quyền lợi và trách nhiệm của người nông dân với quá trình bán hàng của chúng tôi: Cùng các nhà vườn có ký kết với công ty chia sẻ đầu tư, cùng thu hoạch, đàm phán cụ thể theo giai đoạn. Đặc biệt chúng tôi rất tránh trường hợp nông dân phải đổ bỏ nông sản trong khi mình vẫn có nhu cầu mua. Khi họ hiểu mọi đường đi lối lại, họ sẽ gắn bó nhiều hơn với HSC Investment.
Có nhiều người làm kinh doanh các mảng khác nhìn bài toán nông nghiệp trên giấy khá là hấp dẫn, nhưng bước vào là cả một chuyện khác, khó khăn thực sự. Trong quá trình phát triển, HSC Investment buộc phải từng bước rút kinh nghiệm và đưa quy mô sản xuất lớn dần lên, học cách quản lý lớn dần lên, cố gắng giảm rủi ro trong khi vẫn đảm bảo yếu tố đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo cho doanh nghiệp cũng như các đối tác, nông dân.
– Làm nông nghiệp, sự gắn bó giữa bộ ba chính quyền – doanh nghiệp – nông dân rất quan trọng, HSC Investment đang làm thế nào?
Nhà nước Việt Nam rất ưu ái các điều kiện cho sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ bà con nông dân. Cứ có dự án tốt, thì không cớ gì chính quyền không hỗ trợ cả. Đó là làm lợi cho người dân cơ mà. Chưa kể nông nghiệp vẫn là ngành xương sống của đất nước.
Chúng tôi có những thuận lợi khi làm việc với các địa phương. Sắp tới chúng tôi thiết lập dự án xây dựng các nhà máy sơ chế tại địa phương để nâng cao các giá trị của nông sản Việt Nam để xuất khẩu.
Có một bài toán về sản phẩm đậu đỗ có thể làm ví dụ cho câu chuyện phát triển giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Nếu sản xuất như người nông dân đang làm bây giờ và bán tràn lan thì giá trị không cao. Nếu khử trùng đậu đỗ bằng metyl bromide hay khử các chất độc khác để đưa ra những thị trường khó tính, họ không chấp nhận. Muốn xuất khẩu được đậu đỗ, buộc phải đầu tư trang thiết bị máy móc để quá trình sơ chế đảm bảo chất lượng cho các thị trường đã bàn đến. Chúng tôi đang nỗ lực cho kế hoạch này và được địa phương lẫn người nông dân rất ủng hộ.
– Sao HSC Investment không gia công việc chế biến mà phải xây dựng cả nhà máy – một kế hoạch tốn kém?
Không ai hiểu khách hàng bằng chính chúng tôi. Để kiểm soát chất lượng, buộc phải chặt chẽ từng khâu một, từ làm đất, giống cây trồng, loại trừ sâu bệnh đến đóng gói thành phẩm. Không nhiều nhà máy sản xuất nông sản ở Việt Nam đáp ứng được các quy trình như vậy. Chưa kể, có nhà máy thì việc phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm cho các thị trường nước ngoài cũng tốt hơn.
Tương lai, các thị trường khó tính ngoài Nhật cũng sẽ tìm đến nông sản Việt. Nên đầu tư từ bây giờ là phù hợp với quy trình phát triển chung của đất nước rồi. HSC Investment đang ở trong một thực tế mà chúng tôi vẫn thường nói vui với nhau là mình bị bệnh nhưng lại đòi xây cả bệnh viện vậy. Khó khăn và tốn kém, nhưng đó là tương lai tất yếu để duy trì mục tiêu phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững.
– Xin cảm ơn ông!