Lão nông Võ Kiến Đức, 77 tuổi, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ với Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới từ năm 2019. Thời điểm đó, tại xã Định Thủy, ông là một trong những nông dân đầu tiên được doanh nghiệp vận động tham gia mô hình.
Ông Đức bắt đầu chuyển đổi từ phương pháp canh tác truyền thống sang hữu cơ trên 1ha dừa với suy nghĩ: “Làm thử mới biết hiệu quả hay không. Có liên kết thử mới biết doanh nghiệp mần ăn với nông dân ra sao. Thực ra, làm hữu cơ thì có lợi về môi trường, sức khỏe cho mình và cho người dùng chứ hoàn toàn không có hại…”.
Khi mới tham gia, nhiều hộ dân xung quanh nhà ông Đức còn e dè và có thái độ thăm dò. Thậm chí có người tỏ vẻ phản đối: “Trồng dừa mà không bón phân hóa học thì sao mà tốt được. Rồi hợp đồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, lỡ bị doanh nghiệp ép giá, sao mà bán ra ngoài được nữa…”.
“Nếu chưa từng sử dụng phân hữu cơ thì có thể nghĩ nó không hay, nhưng cứ sử dụng khoảng 6 tháng rồi để ý, dừa lớn trái hơn, trái không bị tóp teo bên dưới trái như sử dụng phân Ure hay Kali. Phân hóa học thì mau phát nhưng mau hết, cây mau xuống, vàng lá, vào mùa thường rất ít trái. Nếu dùng Ure hay NPK dừa mau tốt nhưng vào thời điểm này, dừa gặp sương muối sẽ dễ tuôn quài, rụng hết trái. Ngược lại với phân hữu cơ, cây xanh tốt bền bỉ và năng suất trái về sau sẽ cao và đều đặn hơn. Nếu để ý, sẽ phát hiện thêm lớp vỏ của trái dừa hữu cơ xốp hơn, dễ trốc hơn so với dừa bón phân hóa học”, nông dân Võ Kiến Đức so sánh.
Như để chứng minh, ông Võ Kiến Đức chỉ chúng tôi xem buồng dừa đang sai trái tỏ vẻ hài lòng: “Nếu như trước đây, mình sử dụng phân hóa học thì trái rụng sạch, trống trơn, chừng 4 – 5 tháng buồng dừa không đậu trái nào. Giá dừa cao thì đâu có mà bán. Nhưng từ khi sử dụng phân hữu cơ viên, lá dừa xanh lại thấy rõ, mùa này, buồng còn đậu trái khoảng 30 – 50% so với những tháng bình thường. Giá dừa hữu cơ cũng cao hơn giá dừa thường 3 – 5 ngàn đồng/chục dừa nên thu nhập cũng khá và ổn định hơn”.
Ông Đức cho rằng: Cái lợi của làm hữu cơ nữa là người trồng dừa có thể tự làm phân hữu cơ bằng cách tận dụng phân chuồng sẵn có tại địa phương như: phân heo, bò, gà. Các loại phân chuồng đều phải ủ oai mục với nấm trichoderma, pha trộn thêm một số phụ phẩm khác như mụn dừa, tro, trấu, mạc cưa… Rễ dừa hấp thu được sẽ lẹ tốt.
Đặc điểm của canh tác hữu cơ là người trồng dừa dùng ong nuôi ký sinh để phòng trừ sâu bệnh như: bọ cánh cứng, sâu đầu đen thay cho các loại thuốc phun xịt hóa chất có hại.
Nông hộ Lê Văn Chênh, 63 tuổi, xã Định Thủy (có 1,7ha dừa) đã chuyển sang canh tác hữu cơ được 1 năm. Ông Chênh phấn khởi cho biết: “Tôi vào hợp tác xã 1 năm nay, thấy có lợi rất nhiều. Vườn dừa có chuyển biến, đất đang dần cải tạo. Cây dừa xanh lên, tàu hủ nở ra, tàu mo nang cũng to ra. Điều này cho thấy, thời gian tới sẽ cho trái to và nhiều hơn”.
“Làm hữu cơ không cực, nếu biết cách. Rải phân rồi thì đậy lá dừa lên để giảm độ bốc hơi nước trong đất. Lá dừa khi oai mục cũng sẽ tạo Kali. Trái dừa thu hoạch bán giá cao hơn bên ngoài hợp tác xã gần 20 ngàn đồng/chục. Những hộ chưa vào có hỏi thăm tôi cách để tham gia như thế nào. Bà con đã đi đăng ký nhiều…”, ông Chênh cho biết.
Việc phát triển kinh tế hợp tác trong ngành dừa hiện nay với quy mô chuỗi dừa 28 hợp tác xã (HTX), 32 tổ hợp tác (THT). Trong đó, dừa công nghiệp có 28 HTX, 20 THT. Trong hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ, toàn tỉnh có 15/20 THT, 21/28 HTX đã thực hiện liên kết với các doanh nghiệp.
HTX Nông nghiệp Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam là một trong những HTX điển hình của tỉnh về hiệu quả liên kết với các doanh nghiệp ngành dừa. Trong đó, có Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới. Trong chuỗi này, HTX đóng vai trò “mắc xích”, làm đầu mối trong hoạt động thu mua, sơ chế cơm dừa hữu cơ để cung cấp cơm dừa và nước dừa nguyên liệu cho nhà máy chế biến.
HTX Nông nghiệp Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú mặc dù mới thành lập năm 2017 nhưng chủ trương xây dựng 100% vùng nguyên liệu dừa theo chuẩn hữu cơ; mục tiêu ban đầu là liên kết hộ dân trồng dừa, tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm dừa trái. Đến nay, HTX có trên 110ha chăm sóc cây dừa theo chuẩn hữu cơ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Thới Thạnh Trần Quốc Ửng cho biết, HTX đã chuẩn bị các thủ tục phối hợp với các HTX khác trên địa bàn (Phú Khánh, Quới Điền, Hòa Lợi, Mỹ Hưng, An Quy, An Điền…) đang tiến thêm một bước nữa là thành lập Liên hiệp các HTX dừa hữu cơ. Qua đó, làm cơ sở xây dựng vùng nguyên liệu dừa tập trung có diện tích, quy mô lớn, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp về dừa hữu cơ phục vụ nhà máy chế biến và xuất khẩu. Đây cũng là định hướng phát triển phù hợp với lợi thế và điều kiện thổ nhưỡng của vùng.
Người cán bộ nông nghiệp đã mở ra câu chuyện thực hành nông nghiệp tốt, từng bước lặn lội đến mỗi hộ dân để tuyên truyền, thuyết phục chuyển đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang dừa Organic ở xứ Dừa từ những ngày đầu tiên là ông Huỳnh Quang Đức – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Huỳnh Quang Đức kể: Thời điểm bắt đầu xây dựng các mô hình hữu cơ khá rõ ràng và tiếp cận môi trường là năm 2016. Tiếp theo các mô hình về rau hữu cơ, lúa hữu cơ là dừa hữu cơ. Tuy nhiên, dừa hữu cơ phát triển mạnh và nhanh hơn với các lý do như: nhu cầu thị trường thế giới chuyển mạnh về sản phẩm hữu cơ từ dừa; Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về hình thành chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh. Đây là nền tảng quan trọng và thuận lợi để dừa hữu cơ phát triển.
Khi mới khởi xướng, không có quy trình chuẩn về hữu cơ để áp dụng, từ cách ủ phân, bao nhiêu ký phân, phân loại gì, bón như thế nào… Đội ngũ khuyến nông phải vừa làm vừa nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi để khi áp dụng vào sản xuất đạt chuẩn và hiệu quả cao hơn.
Ông Huỳnh Quang Đức nhớ cái khó lớn nhất là thực trạng sản xuất của nông dân Bến Tre manh mún, nhỏ lẻ. Trong khi sản xuất hữu cơ bắt buộc phải liên kết thành những vùng tập trung, diện tích lớn. Nông dân lại chưa có thói quen làm việc với nhau, làm theo quy trình chung và làm hữu cơ cũng chưa phổ biến như bây giờ. Hầu hết người dân tiếp cận bằng cách thăm dò. Nông dân còn e ngại khi sản xuất hữu cơ, ngại về thị trường không bền vững, về năng suất, sản lượng bị sụt giảm, khi liên kết với nhau mong manh, bị đỗ vỡ giữa chừng.
“Với vai trò mở đầu cho câu chuyện dừa Organic, ngành chức năng phải hết sức kiên trì. Tôi phải thuyết phục và gắn kết được giữa những người dân với nhau, giữa người dân với doanh nghiệp. Đây là điểm rất khó, thậm chí thuyết phục chính quyền địa phương cùng tham gia thì họ cũng e ngại vì không biết có hiệu quả hay không, người dân có được hưởng lợi không. Tôi tự an ủi, đây cũng là nỗi lo chính đáng, bản thân người làm công tác này trong giai đoạn đầu cần phải cố gắng vượt qua…”, ông Huỳnh Quang Đức chia sẻ.
Bây giờ, ngẫm lại niềm vui lớn nhất của ông Đức là thành quả bước đầu của dừa hữu cơ được thị trường đón nhận nồng nhiệt. Nông dân cải thiện thu nhập và tham gia ngày càng nhiều hơn. Câu chuyện này còn tiếp tục mở ra nhiều cánh cửa mới cho mục tiêu: “Cây dừa tỷ đô” (theo Nghị quyết của Tỉnh ủy Bến Tre nhiệm kỳ 2020 – 2025).
Hiệp hội Dừa châu Á – Thái Bình Dương khi tìm hiểu dừa của Bến Tre đang có thực hiện tiêu chuẩn GAP hay không thì câu trả lời là: Bến Tre không có thực hành GAP mà chúng tôi làm dừa hữu cơ. Điều này đã khiến họ rất thích thú và đánh giá rất cao. Bởi theo họ khẳng định: Việc làm dừa hữu cơ hiện nay trên thế giới rất ít quốc gia thực hiện thành công như ở Việt Nam.
Các doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất dừa Organic ở Bến Tre là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) và Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới. Từ một mô hình ban đầu, một số nhóm nông dân lúc đầu đã phát triển thành một ngành hàng hữu cơ. Ngành hàng này không ngừng phát triển lớn mạnh và thâm nhập vào thị trường thế giới, với một vị thế cao hơn.
Từ năm 2011, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đã đầu tư xây dựng mô hình vườn dừa hữu cơ đưa vào sản xuất. Sản phẩm của doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn hữu cơ USDA của Mỹ, EU và JAS của Nhật Bản do tổ chức Control Union – mạng lưới toàn cầu về tư vấn và kiểm định chất lượng cấp chứng nhận từ năm 2015.
Từ 400ha ban đầu, với sản lượng 6 triệu trái/năm, đến năm 2019, diện tích vùng nguyên liệu hữu cơ đã tăng lên 4.400ha, sản lượng cung cấp tương đương 60 triệu trái/năm. Khu vực chủ lực để phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ phân bố ở 4 huyện có diện tích lớn nhất tỉnh. Sản lượng và chất lượng đứng đầu cả tỉnh là Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Bình Đại, Thạnh Phú. Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đang từng bước định hướng xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ có lộ trình và mục tiêu rõ ràng là mở rộng diện tích đạt 10 ngàn ha.
Với Betrimex, năm 2015, khi khánh thành nhà máy sản xuất nước dừa và sữa dừa với dây chuyền công nghệ Tetra Pak, Betrimex đã đặt dấu mốc cho dự án “10 ngàn ha vườn dừa Organic”. 1 năm sau, Betrimex ra mắt sản phẩm nước dừa Cocoxim, với 4 hương vị khác biệt. Năm 2017, Chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao – chuẩn hội nhập chứng nhận đạt chuẩn, Betrimex đã tự tin hơn khi thành lập chi nhánh tại Singapore và Mỹ. Sản lượng Cocoxim xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, châu Âu ngày càng tăng. Đến năm 2018, Betrimex được người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao.
Cùng thời điểm này, nước dừa nguyên chất Cocoxim Organic, đóng hộp hiện đại theo công nghệ Tetra Pak, tiệt trùng trực tiếp UHT, đã tạo ấn tượng và lòng tin cho thị trường trong và ngoài nước. Từ tháng 8-2021 đến nay, Betrimex chủ động mở rộng diện tích vùng nguyên liệu đạt chứng nhận Organic EU, NOP, JAS lên hơn 7 ngàn ha, thu hút 8 ngàn hộ nông dân trồng dừa ở Bến Tre và Trà Vinh vào dự án. Tương lai, công ty sẽ tiếp tục nhân rộng, dự kiến mục tiêu gần là đạt 10 ngàn ha dừa hữu cơ.
Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre (Beinco) là doanh nghiệp thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2017. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Beinco Trần Văn Đức luôn đeo đuổi mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt chuẩn quốc tế, được nhiều nước trên thế giới công nhận.
Đến nay, Beinco đã có 700ha vùng nguyên liệu dừa hữu cơ được tổ chức Control Union Certification chứng nhận. Dự kiến đến cuối năm nay, vùng nguyên liệu này sẽ được mở rộng quy mô lên 1.200ha và mục tiêu trong vài năm tới là 5 ngàn ha.
Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong là doanh nghiệp hàng đầu ở đồng bằng sông Cửu Long chế biến và xuất khẩu hàng nông sản. Trong giai đoạn 2 từ năm 2021, công ty đã xây dựng, lắp đặt và đưa vào vận hành dây chuyền chế biến các sản phẩm từ dừa như: nước dừa hộp giấy, nước cốt dừa, sữa dừa… với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 50 triệu USD/năm. Hiện công ty phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ tại các huyện trồng dừa, nhiều nhất tại huyện Bình Đại.
Thông tin từ ACCP, thế giới có nhu cầu các sản phẩm chế biến từ dừa ngày càng tăng, trong đó nhu cầu lớn về các sản phẩm dừa từ các thị trường châu Á, châu Âu, châu Mỹ, đặc biệt là Trung Đông. Dự báo dừa thuộc nhóm đứng đầu về xu hướng tiêu dùng thực phẩm an toàn trên toàn cầu trong tương lai. Mức tăng về nhu cầu các sản phẩm dừa toàn thế giới đến năm 2025 như sau: sữa dừa tăng 15% (trong đó sữa dừa hữu cơ tăng 8,5%); thạch dừa tăng 5,6%; bột dừa tăng 6,6%; kem dừa tăng 36%; nước dừa tăng 25%; dầu dừa tinh khiết tăng 21%.
Ngoài các sản phẩm trên, hiện nay, các quốc gia có ngành dừa phát triển như: Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia…đã và đang tiếp tục đẩy mạnh việc đa dạng hóa sản phẩm chế biến, dịch vụ thương mại, du lịch…, nhằm tạo giá trị tăng thêm từ dừa. Tính chung trên thế giới, bình quân nhu cầu về sử dụng dừa tăng 10%, trong khi đó cung chỉ tăng dưới 1% và khoảng cách ngày càng có xu thế gia tăng.
Kim ngạch dừa xuất khẩu cúa Bến Tre đạt khoàng 350 triệu USD/nãm, với 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó chủ yếu là Hoa Kỳ, Trung Đông, châu Phi, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhât Bản, Úe. Riêng 6 tháng đầu năm 2022 đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 4,05%, chiếm 10,32% so với giá tri sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Ông Trần Văn Đức – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre nhận định: “Sản phẩm Organic là xu hướng của người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là các thị trường khó tính như EU, châu Mỹ và châu Á. Xu hướng này không thể thay đổi được. Do đó, bất kể doanh nghiệp nào sản xuất thực phẩm muốn phát triển bền vững đều quan tâm xây dựng và phát triển sản phẩm Organic”.
Xét thấy tính cần thiết của phát triển dừa hữu cơ, ngày 15-6-2022, UBND tỉnh đã ban hành “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Bến Tre giai đoạn 2022 – 2025 và định hướng đến năm 2030”. Theo đề án đánh giá, với lợi thế về tính thích nghi và chất lượng sản phẩm dừa của Bến Tre, kết hợp với doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ và xây dựng phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ với quy mô sản xuất lớn, công nghiệp chế biến dừa chuyên sâu và khả năng khai thác thị trường khá tốt… là những yếu tố thuận lợi để tiếp tục phát triển dừa hữu cơ tại Bến Tre.
Theo lộ trình của đề án, giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh sẽ phát triển 20 ngàn ha dừa hữu cơ. Đến năm 2030 là 30 ngàn ha. Vùng trồng tập trung tại các huyện: Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Bình Đại, Thạnh Phú, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc và Ba Tri.
Không chỉ dừng lại phạm vi trong tỉnh, hiện nay, các doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh liên kết các vùng trồng dừa thuộc các tỉnh lân cận trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu tập trung, sản lượng lớn và ổn định.
“Việc sản xuất hữu cơ không phải một ngày, một bữa mà là một quá trình, thay đổi từ nhận thức đến tổ chức sản xuất. Nhiều người đặt vấn đề: Trong thời gian khủng hoảng giá vừa qua, nhìn lại việc sản xuất theo chuỗi hữu cơ như thế nào? Có phát huy tác dụng cao hay không? Câu trả lời của chúng tôi là: Rất may mắn, Bến Tre có chuỗi dừa và dừa hữu cơ. Nhờ dừa hữu cơ, các doanh nghiệp có thể trụ lại và tiếp tục duy trì thị trường. Triển vọng cây dừa đạt tỷ đô của Bến Tre là hoàn toàn có thể”, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức nhận định.
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/cau-chuyen-dua-organic-ben-tre-ra-the-gioi-01092022-a104774.html?gidzl=dLmQ5u18kX6SInqOWbA-4Pf66X-SMBeHXHTA7PeBlKEA51DFarsn4zv64Hh3NUCLqn544sOeBPO_X4Mq7G